Trong tiết trời mùa hè oi bức, sẽ thật là bi kịch nếu như không có điều hòa. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà con người ta dần trở nên phụ thuộc hơn vào nó. Có thể lấy ví dụ, việc đầu tiên chúng ta làm khi trở về nhà sau một ngày nóng bức sẽ là bật điều hòa lên. Đi đến công ty? Điều hòa buộc phải có.
Thậm chí ngay cả khi trời không đến nỗi quá nóng, chúng ta cũng bật điều hòa, gây lãng phí năng lượng, đồng thời khiến cho lượng khí nhà kính vốn đã dư thừa trên Trái đất tiếp tục tăng thêm.
Và để chấm dứt chuyện câu chuyện này, các chuyên gia thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đã sáng chế ra một loại vải vô cùng tuyệt vời: loại vải có khả năng hạ thân nhiệt con người.
Cụ thể, loại vải của họ có khả năng phản xạ ánh sáng Mặt trời, nhưng cùng lúc đó cho phép nhiệt lượng trên cơ thể thoát ra với hiệu quả tối đa - điều mà chưa loại vải nào trên thế giới làm được.
Để hiểu rõ hơn, cần biết rằng nhiệt độ trung bình trên da người rơi vào khoảng 34 độ C, và cơ thể cũng sản sinh ra một loại bức xạ nhiệt có bước sóng trùng với sóng ánh sáng. Điều này chứng tỏ rằng, bất kỳ loại vải nào chặn được sóng ánh sáng từ Mặt trời cũng vô tình giữ lại nhiệt độ của cơ thể, gây cảm giác nóng bức.
Ngay cả vải cotton - loại vải vốn được cho là thoáng mát cũng chỉ cho phép 1,5% bức xạ nhiệt của cơ thể lọt ra bên ngoài mà thôi.
Nhưng loại vải mới của trường Stanford có thể làm được cả 2 việc. Với nền tảng từ chất liệu nhựa dẻo, các chuyên gia cho biết loại vải này sẽ làm mát cơ thể chúng ta, để rồi qua đó chấm dứt kỷ nguyên của máy điều hòa nhiệt độ.
Theo tiến sĩ Yi Cui thuộc ĐH Stanford: "Nếu chúng ta có thể làm mát cơ thể mà không cần dựa vào máy móc bên ngoài, rõ ràng năng lượng sẽ được tiết kiệm hơn".
Được biết, chất liệu vải mới mang tên nanoPE - được làm từ một loại nhựa đặc biệt với những lỗ siêu nhỏ (nhỏ hơn 100 lần so với tóc người), cho phép bức xạ nhiệt từ cơ thể thoát ra.
Yi Cui cho biết, chất liệu mới này cho phép 96% bức xạ thoát ra ngoài, giúp thân nhiệt hạ tới gần 3 độ C so với quần áo bình thường.
Chưa hết, nhóm nghiên cứu hiện đang thực hiện các bước tiếp theo, nhằm ứng dụng chất liệu này lên các tòa nhà, phương tiện giao thông hiện nay.
Nếu thành công, đây sẽ là một phát minh đánh dấu bước chuyển mình của công nghệ, thậm chí sâu hơn là "giải cứu Trái đất" trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.